Lãnh thổ Sơn_Tây_(tỉnh_cũ)

Thời phong kiến

Nhà Sử học triều Nguyễn là Đặng Xuân Bảng trong sách Việt sử cương mục tiết yếu (quyển IV, kỷ nhà Lê - Thánh tông Thuần hoàng đế), chép về việc chia đặt các đơn vị hành chính địa phương: “Hồi quốc sơ, chia làm 5 đạo[4]. Đến đây chia làm 12 đạo. Đó là các đạo: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa (nay là Thừa Thiên và Quảng Trị), Thiên Trường (nay là các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định), Nam Sách (nay là Hải Dương), Quốc Oai (nay là Sơn Tây)…”. Cũng trong sách này có đoạn nói về việc đổi Quốc Oai thành Sơn Tây có 6 phủ 24 huyện: “Phủ Quốc Oai có 6 huyện là Từ Liêm, Phúc Lộc, Yên Sơn, Thạch Thất và Đan Phượng. Phúc Lộc nay là Phúc Thọ… Phủ Quảng Oai có 2 huyện là Mỹ Lương và Minh Nghĩa. Minh Nghĩa nay là Tùng Thiện”[5].

Sử gia Lê Quý Đôn trong phần nói về Phong vực (bờ cõi) đã dành nhiều trang viết về Sơn Tây, đó là những ghi chép khá phong phú, có thể coi là sớm nhất về vùng đất này. Về hành chính: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, trấn Sơn Tây gọi là xứ Tam Giang, sau mới đổi tên này”[6]. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đổi làm thừa tuyên Quốc Oai, Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê đã chép: “Đặt 13 đạo thừa tuyên: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô”.

Năm Kỷ Sửu (1469), Quang Thuận năm thứ 10, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép về việc thành lập thừa tuyên Sơn Tây, như sau: “Mùa hạ, tháng tư…Quy định bản đồ của phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên… Sơn Tây 6 phủ 24 huyện”[7]. Năm Quang Thuận thứ 10, đổi đặt 13 đạo thừa tuyên thì gọi là đạo Quốc Oai, đặt các chức Chuyển vận chánh, phó sứ cùng là Tuần kiểm thuộc bản đạo Thừa tuyên. Năm Hồng Đức (1470-1497) đặt 12 Thừa tuyên, vẽ bản đồ, lại gọi là đạo Sơn Tây. Dưới đạo chia đặt phủ, huyện, đổi chức Chuyển vận chánh sứ làm Tri phủ, Phó sứ làm tri huyện, Tuần kiểm làm Huyện thừa”[8].

Năm Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức năm thứ 21 vua Lê Thánh Tông cho người đo đạc lập địa đồ của nước Đại Việt “Mùa hạ, tháng 4, ngày 4, xác định bản đồ toàn quốc: 13 xứ thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguồn, 30 trường”. Cũng năm này, lại đổi gọi các đơn vị hành chính địa phương thành xứ thừa tuyên, đó là các xứ thừa tuyên Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hóa, Lạng Sơn, An Bang, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam và phủ Trung Đô, v.v.[9]

Khi thành lập tỉnh Sơn Tây có 5 phủ:

  1. Phủ Quốc Oai, ban đầu gồm 4 huyện: Đan Phượng (về sau, thời Pháp thuộc được chuyển về phủ Hoài Đức), Mỹ Lương (nay là vùng đất thuộc một phần địa bàn huyện Mỹ Đức;tây huyện Chương Mỹ Hà Nội, huyện Lương Sơn và huyện Kim Bôi Hòa Bình), Thạch Thất, Yên Sơn (nay là huyện Quốc Oai)[10][11]. Đến thời Pháp thuộc, sáp nhập thêm huyện Phúc Thọ từ phủ Quảng Oai về. Riêng huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai thời còn là trấn Sơn Tây được cắt về phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội năm 1831.[12]
  2. Phủ Quảng Oai, ban đầu gồm 4 huyện: Phúc Thọ (nguyên là huyện Phúc Lộc trấn Sơn Tây những năm 1802-1823, ngày nay gồm địa bàn: huyện Phúc Thọ, phần phía bắc thị xã Sơn Tây, xã Cam Thượng huyện Ba Vì), Bất Bạt (nay là một phần các huyện Ba Vì, Hà NộiKỳ Sơn, Hòa Bình), Minh Nghĩa (đến năm 1853 đổi là Tùng Thiện, nay là phần phía nam thị xã Sơn Tây và một phần huyện Ba Vì), Tiên Phong (về sau, thời Pháp thuộc đổi là huyện Quảng Oai, nay thuộc phần phía bắc huyện Ba Vì Hà Nội).[13][14]
  3. Phủ Tam Đới (Tam Đái) (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lạc, Yên Lãng.
  4. Phủ Đoan Hùng (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang), gồm các huyện: Đông Quan, Đương Đạo, Sơn Dương, Tam Dương, Tây Quan.
  5. Phủ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), gồm các huyện: Hạ Hoa (nay là Hạ Hòa), Hoa Khê (nay là Cẩm Khê), Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao), Thanh Ba. Riêng huyện Tam Nông tách khỏi Sơn Tây năm 1831 để nhập vào tỉnh Hưng Hóa, làm nơi đặt tỉnh lị tỉnh Hưng Hóa.

Thời Pháp thuộc

Bản đồ tỉnh Sơn Tây năm 1891

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi đánh chiếm và đô hộ Bắc Kỳ, chính quyền thực dân Pháp thực thi chính sách chia để trị, tỉnh Sơn Tây đã bị cắt phần lớn đất đai để lập mới các tỉnh Hưng Hóa, Vĩnh Yên, Phù Lỗ, Hòa Bình.

Ngày 22 tháng 6 năm 1886, tách các vùng người Mường cư trú để lập tỉnh Mường (tức tỉnh Hòa Bình sau này).

Ngày 18 tháng 4 năm 1888, thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định tách phủ Đoan Hùng (lúc đó gồm 3 huyện Hùng Quan, Ngọc Quan và Sơn Dương) khỏi tỉnh Sơn Tây để nhập vào tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh Sơn Tây sau đó còn 4 phủ: phủ Quốc Oai (gồm 2 huyện Thạch Thất và Yên Sơn), phủ Quảng Oai (gồm 4 huyện Bất Bạt, Phúc Thọ, Tiên Phong, Tùng Thiện), phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng và Tam Dương), phủ Lâm Thao (gồm 5 huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba).

Ngày 20 tháng 10 năm 1890, tách toàn bộ phủ Vĩnh Tường, cùng với huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên để thành lập đạo Vĩnh Yên. Nhưng đến ngày 12/4/1891, đạo Vĩnh Yên bị sát nhập vào tỉnh Sơn Tây, như vậy tỉnh Sơn Tây có thêm huyện Bình Xuyên. Đến ngày 29/12/1899, lại tách đạo Vĩnh Yên (gồm cả huyện Bình Xuyên) ra để lập tỉnh Vĩnh Yên.

Phủ Lâm Thao cũng được tách khỏi tỉnh Sơn Tây. Sau khi tỉnh Hưng Hóa bị chia tách để lập các đạo quan binh Lào Cai, Yên Bái, Vạn Bú,... chỉ còn lại 2 huyện Tam NôngThanh Thuỷ, ngày 8/9/1891, 3 huyện Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba của phủ Lâm Thao được tách khỏi tỉnh Sơn Tây, kết hợp với 2 huyện còn lại của tỉnh Hưng Hoá để thành lập tỉnh Hưng Hóa mới. 2 huyện Cẩm KhêHạ Hòa được tách khỏi phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây để nhập vào đạo quan binh Yên Bái.

Ngày 9 tháng 12 năm 1892, huyện Cẩm Khê được tách khỏi Yên Bái để nhập về tỉnh Hưng Hoá. Ngày 5/6/1893, huyện Hạ Hòa cũng được tách khỏi Yên Bái để vào nhập vào tỉnh Hưng Hóa. Như vậy, từ tháng 9 năm 1891 đến tháng 6 năm 1893, toàn bộ phủ Lâm Thao gồm 5 huyện đều được điều chuyển về tỉnh Hưng Hóa mới. Từ năm 1903 tỉnh Hưng Hóa mới đổi tên là tỉnh Phú Thọ.

Thời kỳ độc lập

Từ thời Pháp thuộc cho tới năm 1965, Sơn Tây là tỉnh gồm có 6 huyện: Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây.

Ngày 1 tháng 7 năm 1965, tỉnh Sơn Tây được sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Vậy là từ đây, Sơn Tây về mặt hành chính là thị xã của tỉnh Hà Tây. Năm 2008, Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, Sơn Tây từ đây thuộc thành phố Hà Nội.